25 NĂM VIỆT NAM THAM GIA ASEAN: Chung tay vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng

28/07/2020 16:19

Ngày 28/7/2020 đánh dấu 1/4 thế kỷ Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đặc biệt năm nay, lễ kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này trùng với thời điểm Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên lần thứ hai của Hiệp hội.

Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 là một trong những mốc quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết. Với ASEAN, việc kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 giúp đẩy nhanh quá trình mở rộng Hiệp hội ra cả 10 nước trong khu vực, qua đó củng cố hòa bình, ổn định ở một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về địa – chính trị và địa – kinh tế, là trung tâm kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khi Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực mới bước ra khỏi Chiến tranh Lạnh, vị thế, vai trò và quy mô kinh tế của ASEAN vẫn còn khiêm tốn. Song 25 năm qua đã chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của Hiệp hội. Để đến nay, cả 10 nước Đông Nam Á trở thành một Cộng đồng thống nhất với uy tín ngày càng cao ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.          

Trên nền tảng các cơ chế Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), với sự hình thành Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), ASEAN dần trở thành một khu vực hòa bình, ổn định với vị thế từng bước được khẳng định. Việc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) cùng với việc ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN với hàng loạt các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đã góp phần tạo nên phồn vinh cho ASEAN, đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới. Năm 2019, ASEAN đã là mái nhà chung của khoảng 650 triệu người dân, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 3.200 tỉ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.800 tỉ USD.

Đặc biệt, Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31/12/2015, đã đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội. ASEAN ngày nay được coi là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được tất cả các nước lớn coi trọng.

Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Trên cơ sở quan hệ đối ngoại rộng mở bao gồm 10 đối tác đối thoại, trong đó có tất cả các nước lớn, tiếng nói ASEAN được lắng nghe và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được củng cố.

Trên thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN đã được khẳng định thông qua việc ASEAN thúc đẩy sự ra đời và dẫn dắt Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM Plus), đóng góp ngày càng quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực. Tiêu biểu là việc ASEAN đã bày tỏ lập trường kiên định trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và khu vực, như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được kỳ vọng sớm hoàn tất, cùng nhiều tiến triển quan trọng khác.

 Với Việt Nam, ngày 28 tháng 7 của 25 năm trước đồng thời là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến rất quan trọng của Việt Nam trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế. Chúng ta đã từng bước hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Trong quá trình hội nhập của đất nước, ngành ngoại giao luôn đóng vai trò tiên phong đột phá, mở đường ra thế giới. Trong nhiệm vụ thuở ban đầu đưa đất nước phá thế bao vây, cô lập, ASEAN được xem là đột phá khẩu đầu tiên của Việt Nam trong hội nhập. Ở những giai đoạn sau, hội nhập và tham gia của Việt Nam trong ASEAN gắn liền với quá trình Đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước. Chúng ta đã có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy đối ngoại, từ chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, “chuyển từ đối đầu sang đối thoại” [1] tới trở thành “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN và nay là phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh” [2].

Việt Nam từng bước khẳng định là một phần không thể tách rời của ASEAN và khu vực Đông Nam Á, gắn sự phát triển của đất nước với ASEAN và mong muốn gánh vác công việc chung của ASEAN. Chính sách đối với ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về đối ngoại, đặc biệt là Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Ngay sau khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy để các nước ở Đông Nam Á còn lại gia nhập ASEAN. Các nước  Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia đã tham gia ASEAN lần lượt các năm 1997 và 1999. Qua đó, giấc mơ về một ASEAN gồm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á đã trở thành hiện thực. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã chủ động, tích cực, và có trách nhiệm khi tham gia vào các công việc của ASEAN trong đó có xây dựng thể chế cho ASEAN như Hiến chương ASEAN (2008), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), Kế hoạch Tổng thể 2009, 2015, và 2025, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, 2025 và xa hơn …và  triển khai toàn diện cả ba trụ cột Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã tổ chức tốt Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 (7/2000-7/2001), Chủ tịch ASEAN 2010, và hiện đang nỗ lực hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Với nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng như mở rộng EAS hay thành lập cơ chế ADMM cộng, Việt Nam tích cực cùng các thành viên ASEAN  duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Đến nay, một điều chắc chắn là việc gia nhập ASEAN đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng, thiết thực. Thứ nhất, ASEAN là một trong những nền tảng quan trọng để chúng ta từng bước hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 25 năm qua, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hữu nghị, hợp tác, không có chiến tranh. Đi đôi với thúc đẩy hợp tác ASEAN, chúng ta đã thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và nhiều đối tác quan trọng khác. Vai trò ngày càng tăng trong ASEAN giúp ta tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Thứ hai, tham gia ASEAN giúp chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, huy động các nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao sức mạnh tổng hợp. Tiếp sau quá trình tham gia ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức  Thương mại Thế giới (WTO), các FTAs thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư, ODA, qua đó giúp cho kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm.

Thứ ba, hội nhập ASEAN giúp Việt Nam từng bước nâng tầm đối ngoại giao đa phương, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Thành công trong tham gia ASEAN đã và đang giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng như Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), đăng cai Cấp cao APEC (năm 2006, năm 2017), tích cực tham gia xây dựng các “luật chơi” quốc tế, hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đối phó với đại dịch Covid-19...

Thứ tư, quá trình tham gia ASEAN 25 năm qua đã rèn luyện, đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ đối ngoại, nhất là cán bộ làm công tác đa phương của Việt Nam; giúp chúng ta ngày càng vững vàng hơn khi "vươn ra biển lớn" - hội nhập toàn cầu.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Trong bảy tháng qua, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ASEAN đã đảm bảo triển khai hiệu quả các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020, vượt lên các khó khăn, thách thức, bước đầu kiểm soát đại dịch Covid-19, đồng thời sớm tiến hành khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển.

Cái cách mà ASEAN vượt qua những sóng gió bất ngờ và không có tiền lệ mà đại dịch Covid-19 gây ra minh chứng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy Cộng đồng và hành động Cộng đồng. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “…các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN”./.

Phạm Bình Minh

Ủy viên Bộ Chính trị

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991). Văn kiện Đại hội Đảng VII , Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 154

Cùng chuyên mục
Chung sức gỡ thẻ vàng EC
Chung sức gỡ thẻ vàng EC

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lình Huỳnh (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) chủ động phối hợp các lực lượng, chính quyền, đoàn...

Vì một Côn Đảo xanh, bền vững
Vì một Côn Đảo xanh, bền vững

Phát triển du lịch Côn Đảo theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa bảo vệ môi trường bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu....

Lao Bảo, một thời sôi động
Lao Bảo, một thời sôi động

Vào những năm 1990 trở về sau này, giữa bộn bề công việc hệ trọng cần sắp đặt, triển khai gấp rút và vận hành...

Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024
Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá...

Những giọt nước nghĩa tình của bộ đội Hải quân với nhân dân Hòn Chuối
Những giọt nước nghĩa tình của bộ đội Hải quân với nhân dân Hòn Chuối

Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt sau thời gian dài không có mưa trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc,...

Vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới
Vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới

Vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới là một trong những nhiệm vụ được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 01-12/3/2024
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 01-12/3/2024

Kết thúc Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia tại Melbourne, Australia, sau 03 ngày làm việc, ngày 06/3, lãnh đạo các nước...

Việt Nam chủ động và sáng tạo trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ biên giới
Việt Nam chủ động và sáng tạo trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ biên giới

Tranh chấp quốc tế, đặc biệt là tranh chấp biên giới - lãnh thổ, luôn là mầm mống gây ra các cuộc xung đột, thậm...

Tết nơi đảo xa
Tết nơi đảo xa

Không khí tết ngày càng ấm áp, người dân khắp nơi đang hoàn tất những công việc cuối cùng trong năm để về sum họp...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 12-23/01/2024
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 12-23/01/2024

Ngày 12/01, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 28/12/2023-07/01/2024
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 28/12/2023-07/01/2024

Ngày 06/01/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Sonexay Siphando trao đổi về các vấn...

Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về duy trìvà thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á
Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về duy trìvà thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á

Ngày 30 tháng 12 năm 2023 các Ngoại trưởng Asean đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy...

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Năm 2023, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị,...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 08-15/12/2023
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 08-15/12/2023

Từ ngày 12-13/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và có các cuộc...

Tổ chức Hàng hải Quốc tế kiên quyết ngăn chặn vận tải trái phép trên biển
Tổ chức Hàng hải Quốc tế kiên quyết ngăn chặn vận tải trái phép trên biển

Ngày 6/12, Cơ quan Vận tải Biển của Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn các hoạt động vận tải biển...

Tin đọc nhiều
Tuyên truyền các quy định về khai thác hải sản cho ngư dân
Phòng tuyến góp phần ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản trái phép
Hội đàm giữa Lai Châu và hai tỉnh Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay
Dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Sẽ nâng cấp nhiều luồng hàng hải, kêu gọi vốn đầu tư các bến cảng biển
Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Tây Ban tại Việt Nam
Xuất nhập khẩu chính ngạch giữa Kiên Giang và Kampot đạt 256 triệu đô la Mỹ
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 khảo sát tại tỉnh Sóc Trăng
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Kiều bào tại Hungary hướng về biển đảo quê hương
Cảnh sát biển Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng điều hành ReCAAP lần thứ 18
Xung lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand
Quảng Ninh xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc
Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp
Việt Nam lên án hành vi bạo lực, vô nhân đạo trên các tuyến hàng hải quốc tế
Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hợp tác và phát triển
Nhận diện, phát triển “mũi nhọn” của Kiên Hải
Lào Cai-Vân Nam: Tuyến biên giới Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Việt Nam và Thái Lan nhất trí phối hợp và cùng các thành viên ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông
Khai mạc hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh
Khai mạc Triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” tại Lào
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông
Sóc Trăng tuần tra kiểm soát chống khai thác IUU
Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hiệu suất thông quan tại các cặp cửa khẩu trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc
Chủ tịch Quốc hội Phần Lan ủng hộ lập trường, quan điểm của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông
Khám phá tuyến du lịch kết nối Non nước Cao Bằng với Cao nguyên đá Đồng Văn