Công ước Liên hợp quốc về Luật biển tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương

18/11/2024 17:35

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực (từ ngày 16/11/1994 đến ngày 16/11/2024), Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: baoquocte.vn

Thưa Thứ trưởng Thường trực, xin ông cho biết giá trị và vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển?

Là một văn kiện pháp lý đồ sộ với 320 Điều, được chia làm 17 Phần, và 09 Phụ lục, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), được mệnh danh là bản “Hiến pháp Đại dương”, đề ra khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, vốn chiếm hơn 70% bề mặt trái đất. Công ước cũng chính là nền tảng để các nước cùng hợp tác quản trị đại dương một cách có trật tự và bền vững. Có thể kể một số điểm nổi bật và ý nghĩa quan trọng của Công ước như sau:

Thứ nhất, UNCLOS lần đầu tiên giải quyết tổng thể và triệt để vấn đề phạm vi và quy chế các vùng biển, tạo cơ sở để các quốc gia thực thi các quyền và tiến hành các hoạt động trên biển. Chế định về các vùng biển quy định trong Công ước đã xử lý hài hòa lợi ích của các nhóm quốc gia khác nhau, gồm các quốc gia ven biển, các quốc gia không có biển hay gặp bất lợi về hoàn cảnh địa lý. Một trong những giải pháp dung hòa quyền lợi của các quốc gia chính là việc Công ước lần đầu tiên chính thức ghi nhận chế định “đặc thù” về vùng đặc quyền kinh tế, tại đó quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, trong khi vẫn bảo đảm một số quyền tự do cho các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, một chế định rất sáng tạo, có thể nói là sáng tạo nhất, trong Công ước đó là việc coi “Vùng”, gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài quyền tài phán quốc gia, và các tài nguyên tại đây là “di sản chung của nhân loại”. Theo đó, Công ước thành lập một tổ chức quốc tế để quản lý các hoạt động tại Vùng nhằm bảo đảm việc chia sẻ công bằng lợi ích kinh tế từ việc khai thác tài nguyên tại đây cho tất cả các quốc gia.

Công ước có nhiều điều khoản quy định về bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển – đây là những nội dung hoàn toàn mới so với các điều ước quốc tế về biển trước đó của Liên hợp quốc (04 Công ước Geneva về Luật biển năm 1958). Theo đó, UNCLOS đề ra khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh việc quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau. Vấn đề nghiên cứu khoa học biển cũng được điều chỉnh một cách hài hòa, cân bằng chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển với nhu cầu hợp tác, yêu cầu gia tăng hiểu biết để có thể quản trị tốt biển và đại dương.

Cuối cùng, Công ước đặt ra một hệ thống giải quyết tranh chấp tương đối toàn diện, một mặt khẳng định lại nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, mặt khác quy định cụ thể về các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp như hoà giải, trọng tài hay toà án. Với hệ thống này, các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước luôn có thể được giải quyết một cách kịp thời, qua đó duy trì hoà bình, ổn định và ngăn ngừa xung đột. Đồng thời, phán quyết của các cơ quan tài phán được thành lập theo quy định của UNCLOS cũng góp phần làm sáng tỏ các quy định của Công ước, bảo đảm tính toàn vẹn cũng như việc thực thi hiệu quả Công ước.

Có thể nói, UNCLOS là một trong những thành tựu lớn nhất về luật pháp quốc tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ XX. Công ước không chỉ pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế, mà còn phát triển tiến bộ Luật biển quốc tế nhằm đáp ứng những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương. Cho đến nay, Công ước vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương.

Thưa Thứ trưởng Thường trực, sau 30 năm kể từ khi có hiệu lực, Việt Nam đã có những đóng góp gì cho việc xây dựng và thực thi Công ước?

Việt Nam đã luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm trong việc ký kết và thực hiện Công ước. Ngay sau khi văn kiện được thông qua và mở ký, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên ký Công ước tại Montego Bay (Jamaica) và phê chuẩn trước khi Công ước có hiệu lực. Trong những năm qua, nhằm thực thi UNCLOS, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và đại dương, ban hành các văn bản pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch phục vụ việc sử dụng, khai thác biển hiệu quả và bền vững của đất nước.

Với tinh thần là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng luôn coi Công ước là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác trên biển. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng, nổi bật là, cùng với Thái Lan giải quyết vấn đề phân định biển trong Vịnh Thái Lan 1997 – Hiệp định phân định biển đầu tiên của ASEAN sau khi Công ước có hiệu lực; là nước đầu tiên và duy nhất cho đến nay có Hiệp định phân định biển với Trung Quốc - phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000; cùng với Indonesia giải quyết vấn đề phân định thềm lục địa và sau đó là vùng đặc quyền kinh tế lần lượt vào năm 2003 và năm 2022, làm phong phú thêm thực tiễn phân định biển theo quy định của Công ước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia chủ động, tích cực các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước, đưa ra nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế ghi nhận, qua đó từng bước nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam từng đảm nhiệm vị trí thành viên của Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, có những đóng góp thực chất trong tiến trình Toà án Luật biển Quốc tế cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế, tham gia tích cực quá trình đàm phán và sớm ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài phạm vi vùng tài phán quốc gia – văn kiện quốc tế gần đây nhất liên quan đến việc thực thi Công ước. Việt Nam cũng tiến cử các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao tham gia vào các cơ quan được thành lập trong khuôn khổ UNCLOS, trong đó có việc đề cử ứng viên cho vị trí thẩm phán Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam cùng Phái đoàn đại diện của 11 nước đồng sáng lập nhóm các nước bạn bè UNCLOS với hơn 100 nước thành viên từ tất cả các khu vực địa lý nhằm thúc đẩy việc thực thi Công ước.

Có thể thấy rằng, đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của UNCLOS, Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước, luôn đề cao giá trị, tôn trọng và thực thi đầy đủ Công ước, đồng thời qua đó cũng khẳng định vị thế, vai trò và sự tích cực, chủ động của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vậy trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những đóng góp gì cho việc đề cao và thực thi Công ước này, thưa Thứ trưởng Thường trực?

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ quyết tâm triển khai thành công các nhiệm vụ nhằm tiếp tục thể hiện việc coi trọng, tuân thủ và thực thi đầy đủ UNCLOS, và thể hiện hình ảnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là người bạn tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Một là, Việt Nam tiếp tục ban hành các chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia liên quan tới biển và hải đảo theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, và bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Hai là, Việt Nam luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và coi Công ước là cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động trên biển, bao gồm việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển với các quốc gia láng giềng, hướng tới việc quản trị hoà bình, bền vững các vùng biển, kể cả Biển Đông. 

Ba là, Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp thực chất tại các diễn đàn về luật biển và đại dương như Hội nghị các Quốc gia thành viên UNCLOS, Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc, cũng như tiếp tục đóng góp vào các vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, trong đó gồm biến đổi khí hậu, bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên và đa dạng sinh học trên đại dương.

Bốn là, Việt Nam cũng kêu gọi các quốc gia tiếp tục phê chuẩn, tham gia Công ước, đồng thời thúc đẩy việc thực thi thiện chí và đầy đủ các quy định của Công ước để UNCLOS phát huy hơn nữa vai trò khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Cuối cùng, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với các cơ quan pháp lý quốc tế, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn về đại dương và Luật biển, đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa. 

Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng Thường trực./.

Cùng chuyên mục
Chủ tịch nước: Lực lượng vũ trang Kiên Giang quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển
Chủ tịch nước: Lực lượng vũ trang Kiên Giang quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển

Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản...

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Lào Vilay Lakhamphong
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Lào Vilay Lakhamphong

Ngày 12/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Lào do...

Ủy ban Thủy đạc Việt Nam tổng kết công tác thủy đạc giai đoạn 2015-2024
Ủy ban Thủy đạc Việt Nam tổng kết công tác thủy đạc giai đoạn 2015-2024

Ngày 10/1, tại Hải Phòng, Ủy ban Thủy đạc Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thủy đạc giai...

Thủ tướng Việt Nam-Lào đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước
Thủ tướng Việt Nam-Lào đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước

Sáng 9/1, tại Vientiane, Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy...

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Togo hiệu quả, thực chất hơn nữa
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Togo hiệu quả, thực chất hơn nữa

Chiều 8/1, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với Giáo sư Robert Dussey,...

Trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ Việt Nam - Lào
Trao đổi sâu rộng về các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ Việt Nam - Lào

Sáng 31/12/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng Lào...

Hội nghị tuyên truyền kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước và 15 năm ký 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại TP Côn Minh, Trung Quốc
Hội nghị tuyên truyền kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước và 15 năm ký 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại TP Côn Minh, Trung Quốc

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 25 năm Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 15...

Cuộc họp vòng 17 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và Cuộc họp vòng 14 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển Việt Nam - Trung Quốc
Cuộc họp vòng 17 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và Cuộc họp vòng 14 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển Việt Nam - Trung Quốc

Cuộc họp vòng 17 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và Cuộc họp vòng 14 Nhóm công tác bàn bạc...

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tiếp Tùy viên Quốc phòng Trung Quốc
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến tiếp Tùy viên Quốc phòng Trung Quốc

Chiều 25/12, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung...

Việt Nam - Trung Quốc tiến hành Cuộc họp Vòng 17 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai nước
Việt Nam - Trung Quốc tiến hành Cuộc họp Vòng 17 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai nước

Ngày 25/12/2024, tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã diễn ra Cuộc họp Vòng 17 Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh...

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, thăm và làm việc tại Campuchia
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, thăm và làm việc tại Campuchia

Từ ngày 23 đến 24/12, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã có chuyến thăm...

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thăm Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thăm Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang

Trong chương trình công tác tại Điện Biên, ngày 23/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã thăm và làm việc tại Đồn...

Lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia-Bộ Ngoại giao thăm, chúc mừng các đơn vị Bộ Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia-Bộ Ngoại giao thăm, chúc mừng các đơn vị Bộ Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn...

Thủ tướng: Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào là
Thủ tướng: Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào là "đặc biệt của đặc biệt"

Chiều tối 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Thượng tướng Khamliang Outhakaysone, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào cùng đoàn đại...

Quản lý toàn diện phần lưu vực sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam
Quản lý toàn diện phần lưu vực sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam

Chiều 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mekong Việt Nam...

Tin đọc nhiều
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria
Công an tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) chúc Tết Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An
Quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển
Công ước Liên hợp quốc về Luật biển tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương
Ninh Thuận đẩy mạnh kinh tế biển
Xây dựng Lào Cai thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam, các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc
Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải trực tiếp kết nối thị trường Mỹ
Khơi dậy tình yêu nước từ “Tiết học biên cương”
Tô đậm tình đoàn kết hữu nghị Quảng Bình-Khăm Muồn
Hội đàm phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới
Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (tỉnh Sơn La, Việt Nam) -  Pa-háng (tỉnh Hủa-phăn, Lào): Động lực phát triển mới cho khu vực  biên giới Việt Nam - Lào
Kỳ vọng đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Lào
Tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới
Bình Phước ký kết với các địa phương Campuchia về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Hợp tác thúc đẩy thương mại qua biên giới
Phát triển vùng bờ biển Việt Nam thành những trung tâm kinh tế - văn hóa sôi động
Quân chủng Hải quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo
Tuyên bố chung Việt Nam - Brasil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược
Đoàn đại biểu tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) thăm, chúc Tết tỉnh Quảng Ninh
Đoàn công tác của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La
Tăng cường nhận thức về các vấn đề biên giới lãnh thổ cho sinh viên đại học
Thương mại biên giới Việt Nam - Lào: Còn nhiều dư địa thuận lợi cho tăng trưởng
Sóc Trăng phát động đợt cao điểm tuần tra, xử lý hành vi khai thác IUU
Vùng 5 Hải quân: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo
Đại tướng Phan Văn Giang hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia
Tăng cường hợp tác giữa Điện Biên với 3 tỉnh Bắc Lào
Tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh tại cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và Đensavan (Lào)
UNCLOS: Những đóng góp quan trọng trong giải quyết các vấn đề mới nổi về quản trị biển và đại dương
Cảnh sát biển Việt Nam xuất phát đi tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ lần 2 năm 2024