Tăng cường hợp tác quốc tế về biển để bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc trên biển

05/09/2022 17:03

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, trải dài từ Bắc xuống Nam với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều cụm đảo có giá trị chiến lược về an ninh, quốc phòng, kinh tế quan trọng như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu… Đối với Việt Nam, Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển và là không gian sinh tồn của dân tộc.

Diễn biến phức tạp của tình hình trên Biển Đông trong những năm qua cho thấy các thách thức đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam ngày càng lớn, nghiêm trọng hơn. Để xử lý tốt các thách thức này, bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên biển cả trước mắt lẫn lâu dài, bên cạnh việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc mở rộng và tăng cường hợp tác biển, biến Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Hợp tác biển cũng phù hợp với nguyện vọng chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới về hòa bình, hợp tác và phát triển.

Một số thành tựu nổi bật trong hợp tác biển Việt Nam đã đạt được thời gian qua

Hợp tác biển vừa là nhu cầu, nghĩa vụ và quyền của Việt Nam, với tư cách là một quốc gia ven biển, có chủ quyền và là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về biển và hàng hải, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước Luật Biển). Nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc hợp tác biển, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, trong những năm qua chúng ta đã xác định hợp tác biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai đường lối và chính sách đối ngoại phục vụ xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia dân tộc trên biển.

Trên thực tế, phù hợp với lợi ích quốc gia dân tộc và trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển, Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai hợp tác biển một cách đa dạng, sâu rộng với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất.

Trước tiên, phải kể đến việc hợp tác với các quốc gia có liên quan trong việc giải quyết các vùng biển chồng lấn. Với vị trí địa lý của mình, là quốc gia thành viên Công ước Luật Biển, Việt Nam có quyền hưởng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng gấp nhiều lần lãnh thổ lục địa của mình và cũng có vùng biển chồng lấn với Trung Quốc (ở trong Vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ được tạo bởi bờ biển miền Trung của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc); với Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xia ở Vịnh Thái Lan; với In-đô-nê-xia ở phía Nam Biển Đông. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đối tượng tranh chấp song phương và nhiều bên. Trong những năm qua, trên tinh thần hợp tác thiện chí, xây dựng, căn cứ vào các quy định có liên quan của Công ước Luật Biển, chúng ta đã ký Hiệp định Vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia (năm 1982); Thỏa thuận về Khai thác chung dầu khí một phần thềm lục địa chống lấn với Ma-lai-xia (năm 1992); Hiệp định phân định biển với Thái Lan (năm 1997); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (năm 2000) và Hiệp định phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia (năm 2003). Tất cả các Hiệp định nêu trên, không chỉ góp phần xác định “phên giậu” của tổ quốc trên biển mà còn là cơ sở quan trọng để thực thi các quyền của ta trên biển, hợp tác với các quốc gia có liên quan cũng như góp phần vào việc củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng.

Trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển, ngay từ 1998, sau khi ký Hiệp định phân định biển với Thái Lan, Việt Nam và Thái Lan đã ký và triển khai thỏa thuận tuần tra chung giữa hải quân 2 nước và mô hình này đã được mở rộng sang các nước có liên quan như giữa Việt Nam và Cam-pu-chia trong Vùng nước lịch sử, giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ. Không chỉ hợp tác với các quốc gia láng giềng, Việt Nam còn tích cực mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển với cả các nước ngoài khu vực, các tổ chức quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ với Nhật Bản, Ấn Độ… Đồng thời, tiếp nhận các hỗ trợ cơ sở vật chất, các chương trình đào tạo nâng cao năng lực hàng hải nhằm góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam;  chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế, diễn đàn đa phương như Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP), diễn đàn Tư lệnh Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI)…

Trong nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, Việt Nam và Phi-líp-pin là hai quốc gia đã cùng khởi xướng và tiến hành các chuyến Khảo sát Nghiên cứu khoa học biển và hải dương học ở Biển Đông (JOMSRE-SCS) từ đầu những năm 1990. Mục tiêu của các chuyến nghiên cứu khoa học biển chung này không chỉ tăng cường hiểu biết về điều kiện tự nhiên của Biển Đông, mà còn góp phần vào tăng cường quan hệ chính trị giữa hai nước. Với 4 chuyến khảo sát thành công vào các năm 1996, 2000, 2005 và 2006, JOMSRE-SCS đã là một điển hình về việc hợp tác nghiên cứu biển của khu vực, nhất là giữa các nước có tranh chấp ở khu vực Biển Đông, thực hiện tốt sứ mệnh mà như lời của cố Tổng thống Fidel Ramos “trải qua 11 năm triển khai, JOMSRE đã khẳng định là Biển Đông đóng vai trò như là một nhân tố cho việc hiểu biết tốt hơn giữa Việt Nam và Phi-líp-pin và các quốc gia láng giềng khác, không phải là nhân tố để chia rẽ chúng ta”. Cùng với kết quả JOMSRE-SCS, hợp tác biển giữa Việt Nam và Phi-líp-pin đã được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường biển, khí tượng thủy văn, giao thông vận tải biển, tìm kiếm cứu nạn…Việt Nam và Trung Quốc, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và nguồn lực của mỗi bên, cũng có nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu trầm tích, tai biến địa chất và đang thúc đẩy một số dự án hợp tác mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển.

 

Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển Vịnh Bắc bộ năm 2022.

Cùng với đó, chúng ta cũng có nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển như: hợp tác cùng Ma-lai-xia thu thập các dữ liệu khoa học để xây dựng Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng; tham gia Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA); tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học biển thuộc Hội thảo Khống chế xung đột tiềm tàng ở khu vực Biển Đông; các hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC); nghiên cứu khoa học biển với Liên bang Nga…

Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với nhiều nước, tổ chức khu vực, quốc tế (cơ quan Điều phối các biển Đông Á (COBSEA), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN)…) triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển nhằm giải quyết một số thách thức hiện nay: quản lý rác thải nhựa đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển... Việt Nam cũng tích cực triển khai các chương trình nhằm hiện thực hoá Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), trong đó có Mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương.

Trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, nghề cá, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các thỏa thuận song phương với nhiều nước trong khu vực (Căm-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái Lan…) về bảo tồn, quản lý, khai thác bền vững nguồn thủy sản chung (điển hình đã duy trì thường xuyên hoạt động thả cá giống trong Vịnh Bắc Bộ), ký kết thỏa thuận thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ các hoạt động nghề cá trên biển; tiếp nhận thành tựu công nghệ, vốn, kinh nghiệm từ các đối tác ngoài khu vực (Pháp, Na Uy, EU…) để hỗ trợ nuôi trồng thủy sản. Trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam đã cùng nhiều đối tác có kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí như Nga, Ấn Độ, Ma-lai-xia… mở rộng thăm dò, khai thác, cung cấp dịch vụ dầu khí nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Kết quả của việc triển khai hợp tác quốc tế về biển trong thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương và hiệu quả thực sự của hoạt động hợp tác với sự nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương liên quan và không thể không kể đến sự ủng hộ, đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, thiện chí của các quốc gia có liên quan. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận là bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, việc hợp tác biển của ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập như mới tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giải quyết vùng biển chồng lấn, tranh chấp; chủ yếu trên cơ sở song phương với các nước có tranh chấp trực tiếp; việc hợp tác trong việc thực thi pháp luật, trong lĩnh vực ngăn ngừa, giảm thiểu tiến tới loại bỏ IUU, trong bảo vệ môi trường biển, trong nghiên cứu khoa học biển còn hạn chế… Nguyên nhân từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, đó là tính chất nhạy cảm, phức tạp của các vấn đề trên biển, đặc biệt trong bối cảnh các tranh chấp, yêu sách phức tạp ở khu vực Biển Đông; nhiều vấn đề mới nổi như biến đổi khí hậu, suy thoái các hệ sinh thái và môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; khả năng, lĩnh vực và tiềm lực thúc đẩy hợp tác còn chưa theo kịp đòi hỏi mới, đại dịch Covid-19 khiến nhiều dự án, chương trình hợp tác bị trì hoãn, hạn chế....

Trọng tâm, phương hướng và giải pháp tăng cường hợp tác biển trong tình hình mới

Tại Đại hội XIII, Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát và định hướng cụ thể trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025, trong đó, mục tiêu xuyên suốt trong vấn đề biên giới lãnh thổ là “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi…; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định”, “Trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.  Đồng thời, liên quan đến hợp tác biển, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định quan điểm và phương hướng của việc hợp tác biển là “Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương; tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó chú trọng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tri thức và đào tạo nguồn nhân lực trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và định hướng nêu trên, đứng trước những diễn biến mới của tình hình, việc tăng cường hoạt động hợp tác khu vực và quốc tế trong các vấn đề biển cần xác định một số mục tiêu cụ thể giai đoạn tới: (i) tạo bước chuyển biến mạnh về hợp tác biển thông qua việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc với phương châm là dựa vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển; (ii) đẩy mạnh việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương của Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển qua đó nhằm duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước, củng cố nền tảng cho việc hợp tác biển; (iii) củng cố, mở rộng và định hình các cơ chế, lĩnh vực hợp tác biển với các nước có tranh chấp, các nước có lợi ích và khả năng trong các lĩnh vực ta cần củng cố như nghiên cứu khoa học biển cơ bản; bảo vệ môi trường biển, phát triển nghề cá bền vững; ứng  phó với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng mới…; (iv) biến hợp tác biển thành một động lực mới trong tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể về khai thác, sử dụng và phát huy thế mạnh của biển.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng ta cần thúc đẩy một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa, vai trò của hợp tác biển trong việc bảo đảm và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển gắn với duy trì môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, coi hợp tác biển là một công cụ hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ này. Trong quá trình triển khai, cần bám sát tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 647/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển…

Hai là, tiếp tục cùng các nước trong khu vực Biển Đông đàm phán, giải quyết dứt điểm vấn đề vùng biển chồng lấn, tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, hợp tác biển. Trong quá trình này, có thể tính đến các biện pháp hợp tác tạm thời theo đúng các quy định có liên quan của Công ước Luật Biển.

Ba là, mở rộng hợp tác biển với các tổ chức quốc tế khu vực, toàn cầu, trong đó cần tích cực tham gia sâu rộng hơn nữa vào các tổ chức quốc tế chuyên ngành về biển hoặc liên quan đến biển như Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc, tổ chức nghề cá khu vực, các thiết chế hợp tác biển khu vực, liên khu vực. Trong quá trình này, cần tích cực thúc đẩy ASEAN- Trung Quốc triển khai DOC, phấn đấu sớm đạt COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển trong đó việc hợp tác biển được chú trọng.

Bốn là, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, phương tiện nghiên cứu khoa học biển từ các đối tác có khả năng; tăng cường năng lực của đội ngũ làm về hợp tác biển thông qua việc đưa cán bộ đi đào tạo về khoa học công nghệ biển, khoa học pháp lý, năng lực thực thi pháp luật trên biển, an ninh biển…

Là một quốc gia ven Biển Đông, có nhiều tiềm năng và lợi thế trong việc hợp tác biển, trên cơ sở kinh nghiệm và thành quả của hợp tác biển trong những năm qua, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác biển, đưa hợp tác biển thành một nhân tố quan trọng trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, vì sự phồn thịnh của đất nước và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển./.

BBT

Cùng chuyên mục
Tuyên bố chung về những định hướng lớn của Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga
Tuyên bố chung về những định hướng lớn của Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga

Trang thông tin điện tử về biên giới lãnh thổ xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về những định hướng lớn...

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin

Ngày 09/5/2025, tại Điện Kremlin, thủ đô Moscow, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ

Chiều ngày 09/5/2025 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng...

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 13
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 13

Sáng 8/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 13, dưới sự đồng...

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Azerbajan Ilham Aliyev
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Azerbajan Ilham Aliyev

Chiều ngày 07/5/2025 (giờ địa phương), sau lễ đón trọng thể tại Phủ Tổng thống, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm...

Thủ tướng Chính phủ tiếp Đoàn Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ
Thủ tướng Chính phủ tiếp Đoàn Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ

Sáng ngày 07/5/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đoàn Ủy ban Đánh giá kinh tế và...

UNCLOS góp phần củng cố ổn định của trật tự pháp lý trên biển
UNCLOS góp phần củng cố ổn định của trật tự pháp lý trên biển

Ngày 07/05/2025, Học viện Ngoại giao (DAV) phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) và Đại sứ quán Australia tại Việt...

Bàn giao hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào
Bàn giao hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào

Sáng 7/5 tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Champasak, Nam Lào đã diễn ra Lễ bàn giao, tiễn đưa hài cốt các...

Chủ tịch nước: Hải quân cần phát huy truyền thống làm chủ vùng biển
Chủ tịch nước: Hải quân cần phát huy truyền thống làm chủ vùng biển

Sáng 7/5, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (7/5/1955-7/5/2025) và đón nhận Huân chương...

Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải: Mốc son 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ Thượng cờ tại Cột cờ A Pa Chải: Mốc son 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, UBND tỉnh tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ Thượng cờ và gắn biển công trình Cột...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển Tomas Heidar
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển Tomas Heidar

Chiều ngày 06/5/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tomas Heidar, Chánh án Tòa án quốc tế về...

Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Kazakhstan
Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Kazakhstan

Trang thông tin điện tử về biên giới lãnh thổ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến...

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao...

Tuyên bố chung Việt Nam – Sri Lanka
Tuyên bố chung Việt Nam – Sri Lanka

Trang thông tin điện tử về biên giới lãnh thổ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ...

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và dự...

Tin đọc nhiều
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo phía Tây Nam Tổ quốc
Cảng Quốc tế TIL Cảng Hải Phòng chính thức đi vào khai thác
Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc
Triển lãm ‘Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng’
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk thăm và chúc Tết Chol Chnam Thmay lực lượng vũ trang tỉnh Mondulkiri
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Thăm, làm việc tại Đồn Biên phòng Thổ Châu
Thủ tướng Chính phủ tiếp Đoàn Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ
'Chuyến tàu Đại đoàn kết' - Hải trình đưa kiều bào ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc: Khai mạc chương trình khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev
Hòn Hải - Cột mốc chủ quyền thiêng liêng giữa Biển Đông
Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru
Phát triển thêm các bến cảng khu vực biển Quảng Ngãi
Campuchia coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam
Lai Châu: Tuần tra liên hợp chấp pháp trên biên giới
Nâng cao kiến thức pháp luật cho cư dân biên giới
Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Kazakhstan
Phải xử lý dứt điểm nguyên nhân gốc rễ của các vi phạm IUU
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez
Cảnh sát biển Việt Nam lên đường tuần tra liên hợp với Cảnh sát biển Trung Quốc
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9 chính thức bắt đầu
Việt Nam và Anh tổ chức Đối thoại biển lần thứ sáu
Tuần tra song phương bảo vệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ
Thông thương qua cửa khẩu phụ: Cơ hội mới cho vùng biên Nghệ An
Những người lính áo xanh nơi phên giậu phía Bắc Tổ quốc
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 9 sẽ diễn ra từ 16-17/4
Việt Nam lưu chiểu tại Liên hợp quốc hải đồ và tọa độ đường cơ sở tại Vịnh Bắc Bộ
Tổng kết Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc