Nét độc đáo trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ

08/07/2021 17:37

Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, phụ nữ người Dao đỏ tạo ra những nét riêng trong cách bài trí trang phục, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.

 

Phụ nữ Dao đỏ nổi bật trong trang phục truyền thống.

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có một có sắc thái riêng với những giá trị độc đáo cả về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống đóng góp vào kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú của cả nước. Dù trải qua nhiều năm giao thoa văn hóa nhưng các dân tộc Việt Nam vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, từ quan hệ thứ bậc trong anh em, họ hàng đến các phong tục, tập quán, tín ngưỡng văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết... Một trong những nét văn hóa đầy thu hút của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam chính là sự đa dạng và đặc sắc của trang phục truyền thống của từng dân tộc, trong đó có trang phục của dân tộc Dao đỏ.

Vẻ đẹp rực rỡ trên trang phục phụ nữ dân tộc Dao đỏ luôn là hình ảnh ấn tượng, khó quên với người đối diện. Năm 2020, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ ở Tuyên Quang có từ lâu đời. Tại các bản làng nơi đồng bào Dao đỏ sinh sống, người phụ nữ vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Đồng bào người Dao ở Tuyên Quang hiện có gần 91.000 người, gồm 9 ngành Dao, trong đó người Dao Đỏ sống tập trung chủ yếu ở xã Sơn Phú, Sinh Long, Năng Khả (huyện Na Hang) và xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình).

Đối với người Dao Đỏ, trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, phụ nữ người Dao đỏ tạo ra những nét riêng trong cách bài trí trang phục, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào. Những cô gái Dao đỏ ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được truyền dạy việc may vá thêu thùa để làm những trang phục đẹp cho riêng mình.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ được trang trí bằng nhiều hoa văn phong phú đẹp mắt với màu sắc cơ bản là chàm, đỏ và trắng. Trên chất liệu vải chàm thô cùng với kỹ thuật tạo hoa văn từ thêu, chắp ghép những trang sức, người phụ nữ Dao đỏ thể hiện sự khéo léo, tinh tế và gửi mọi tâm tư tình cảm và những khát vọng sống của mình trong những họa tiết rất phong phú, đa dạng. Các mô típ hoa văn được trang trí vô cùng tinh tế, bố cục chặt chẽ, hòa sắc rực rỡ và mang tính đặc trưng riêng.

Để hoàn thành một bộ trang phục dân tộc Dao đỏ phải mất 1 năm nếu làm nhanh, người làm chậm phải mất 1-2 năm. Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn thực hiện đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ mà không thể pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào.

Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao đỏ. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết bằng chỉ màu trắng, xanh lơ, vàng và màu đỏ lên toàn bộ mặt khăn: Cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các họa tiết hoa văn sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.

Phụ nữ người Dao thường chỉ mặc áo dài có màu đen hoặc màu chàm. Họ thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt, hai đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ sặc sỡ. Trên áo được phụ nữ Dao đỏ thêu lên những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, động vật... Do đó, mỗi bộ trang phục khác nhau ở hoa văn, người thêu luôn cố gắng sắp xếp hài hòa, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục sao cho hài hòa, tươi sáng. Quần của phụ nữ Dao đỏ thường màu đen tuyền, không có hoa văn, nhưng ở phía dưới, họa tiết được thêu rất cầu kỳ. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám... tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục.

Trang phục người Dao đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Trong đó, có sự khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết... Điển hình như trang phục người Dao đỏ ở một số nơi thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực. Số lượng và kích cỡ tùy quan niệm mỗi vùng. Nếu ở Hùng Mỹ, Phúc Sơn (Chiêm Hóa) có 9 quả bông, kích cỡ lớn thì ở Sơn Phú (huyện Na Hang) có 11 quả bông, kích cỡ bé hơn. Trang phục người Dao ở Bạch Xa, Tân Thành, Minh Khương (Hàm Yên) chỉ có những tua rua màu đỏ quanh viền áo trước ngực. Trang phục của nam người Dao đỏ đơn giản hơn, chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần.

Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống không bị mai một cùng thời gian, người phụ nữ Dao đỏ vẫn luôn tích cực truyền dạy lại cách may, thêu thùa trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ./.

Nguồn: TTXVN
Cùng chuyên mục
Ngọn hải đăng có tên lạ bên bờ biển Quảng Ngãi
Ngọn hải đăng có tên lạ bên bờ biển Quảng Ngãi

Ngọn hải đăng có tên lạ bên bờ biển Quảng Ngãi

Rừng rong biển Quảng Ngãi nhìn từ trên cao
Rừng rong biển Quảng Ngãi nhìn từ trên cao

Bình Châu là một trong những xã biển nổi tiếng nhất ở Quảng Ngãi với hàng trăm tàu thuyền khai thác xa bờ.

Lục Nà - mái đình khuất nẻo biên cương
Lục Nà - mái đình khuất nẻo biên cương

Đình Lục Nà nằm ngay cạnh quốc lộ 18C qua địa phận xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, hướng ra cửa khẩu Hoành Mô (tỉnh...

Nghệ nhân người Tày “bắt” gà đất gáy
Nghệ nhân người Tày “bắt” gà đất gáy

Gà đất biết gáy, là loại đồ chơi truyền thống vào loại “độc nhất vô nhị” của đồng bào dân tộc Tày.

Múa trống- Nét văn hoá độc đáo của người Giáy cần được bảo tồn
Múa trống- Nét văn hoá độc đáo của người Giáy cần được bảo tồn

Múa trống là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Giáy ở huyện Mèo...

Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ
Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ

Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt (Hòa An) là hiện...

Độc đáo di sản văn hóa - lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai
Độc đáo di sản văn hóa - lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thiêng liêng cầu mong mùa màng tươi tốt, ấm no, lễ cúng rừng của người Mông ở Si Mai Ca...

Tạc tượng gỗ ở làng Kon Du
Tạc tượng gỗ ở làng Kon Du

Người Mơ Nâm (Xơ Đăng) ở làng Kon Du, xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) tạc tượng gỗ dân gian không chỉ...

Âm vang tiếng tù và của người Dao
Âm vang tiếng tù và của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao ở vùng đất Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang coi tù và là “linh vật” có ý...

Dây thổ cẩm thắm sắc đại ngàn Tây Nguyên
Dây thổ cẩm thắm sắc đại ngàn Tây Nguyên

Thổ cẩm được đồng bào các dân tộc vùng núi rừng Trường Sơn-Tây Nguyên sản xuất ra không chỉ để làm nên các trang phục...

Chùa Tân Thanh: Cột mốc tâm linh nơi biên cương phía Bắc
Chùa Tân Thanh: Cột mốc tâm linh nơi biên cương phía Bắc

Chùa Tân Thanh không chỉ là nơi đáp ứng đời sống tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân địa...

Mảng xanh trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc
Mảng xanh trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc

Giữa trùng khơi nơi vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc, Khu tăng gia sản xuất tập trung là một màu xanh trải rộng...

Đảo Quan Lạn ghi dấu chiến công của cha ông
Đảo Quan Lạn ghi dấu chiến công của cha ông

Đến với đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp của hòn đảo tiền tiêu của Tổ...

Đời sống chan hòa, phát triển của đồng bào Chăm ở An Giang
Đời sống chan hòa, phát triển của đồng bào Chăm ở An Giang

Như cánh chim Thiên Di, từ hàng trăm năm trước, người Chăm đã tìm đến nơi đầu dòng sông Hậu, tỉnh An Giang để lập...

Bí ẩn nhà cổ ở Há Súng
Bí ẩn nhà cổ ở Há Súng

Khi nói về các kiệt tác kiến trúc nổi tiếng tại Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) du khách thường nghĩ tới Dinh thự...

Tin đọc nhiều
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 28/3 – 3/4/2023
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 25/4-6/5/2023
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Bộ Ngoại giao
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thụy Sĩ
Việt Nam-Ấn Độ chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược tương đồng
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề Châu Âu Slovenia Tanja Fajon
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường
Đối thoại chiến lược lần thứ 7 cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam-Đức
Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 11-17/4/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ
Việt Nam luôn kiên định với lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình
Nuôi trồng thủy sản kết hợp các tour du lịch
Quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc hướng tới ổn định, cân bằng
IMO sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cấp công nghệ về tìm kiếm cứu nạn trên biển
Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông
Ra mắt Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 7-15/5/2023
Đồng bào các dân tộc xã Krông Na chung tay giữ gìn bình yên biên giới
Hải quân Việt Nam – Campuchia rút kinh nghiệm tuần tra chung
Tháng Tư có hẹn với Trường Sa
Hội nghị cấp cao Uỷ hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 4
Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 6
Cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN trù bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và Cuộc họp Nhóm Công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về Timor Leste xin gia nhập ASEAN
Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
Đặc sắc Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bến số 7, số 8 cảng Lạch Huyện
Khẳng định cam kết của Việt Nam đối với Quan hệ đối tác Á – Âu
Hơn 200 đại biểu sinh viên ưu tú đến với Trường Sa