Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế về phân định biển giữa Somalia và Kenya

23/11/2021 19:42

Somalia và Kenya là hai quốc gia có bờ biển tiếp liền ở bờ biển Đông Phi, bên bờ Ấn Độ Dương. Cả hai nước đều là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Dựa trên Điều 76 UNCLOS,[1] cả Somalia và Kenya đều đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS) về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải (TLĐMR) lần lượt vào ngày 14/4/2009 và 06/5/2009 (cùng thời điểm với đệ trình của Việt Nam và Malaysia lần lượt vào các ngày 06 và 07/5/2009). Mặc dù Somalia và Kenya đã ký Bản ghi nhớ (MOU) vào ngày 07/4/2009 thỏa thuận không phản đối báo cáo của nhau, nhưng cả hai nước đều đã phản đối việc CLCS xem xét đệ trình của Bên kia. Tuy nhiên, sau đó hai Bên đã đồng ý cùng rút lại những phản đối này. Cho đến nay, CLCS đang xem xét các thông tin mà Somalia và Kenya đệ trình và chưa ra kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của hai nước này.

Ngày 22/8/2014, Somalia đơn phương đưa vụ việc phân định biển với Kenya ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) trên cơ sở cả Somalia và Kenya đều tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICJ theo Khoản 2 Điều 36 Quy chế ICJ lần lượt vào ngày 11/4/1963 và 19/4/1965. Ngày 12/10/2021, ICJ đã ra Phán quyết phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (bao gồm cả TLĐMR ngoài 200 hải lý) giữa hai nước.

Trong vụ việc, Somalia và Kenya đề nghị Tòa phân định các vùng biển chồng lấn giữa hai nước ở Ấn Độ Dương bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa (kể cả TLĐMR). Tòa ra Phán quyết sử dụng một đường phân định duy nhất áp dụng cho cả lãnh hải, vùng ĐQKT và thềm lục địa (kể cả TLĐMR - nếu có), trong đó có một số điểm đáng chú ý về: (i) phương pháp phân định; (ii) vấn đề phân định TLĐMR khi CLCS chưa đưa ra kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa; và (iii) vấn đề vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của một quốc gia qua các hành động đơn phương trong vùng biển có tranh chấp. Cụ thể như sau:

(i) Về phương pháp phân định biển

- Đối với phân định lãnh hải:

Tòa sử dụng phương pháp “đường cách đều”[2] và bỏ qua ảnh hưởng của các thực thể nhỏ trên biển.[3] Do đó, đường phân định lãnh hải giữa Somalia và Kenya là đường cách đều giữa các điểm cơ sở của hai nước, bắt đầu từ điểm cuối cùng của đường biên giới trên bộ hai nước,[4] kéo dài ra biển 12 hải lý. Tòa cho rằng đường phân định này phù hợp với xu thế chung của bờ biển.[5]

- Đối với phân định vùng ĐQKT và thềm lục địa (kể cả TLĐMR - nếu có):

Về phương pháp phân định biển, Tòa khẳng định Điều 74 và 83 UNCLOS (quy định về phân định vùng ĐQKT và thềm lục địa) không đưa ra phương pháp phân định cụ thể mà chỉ đặt ra mục tiêu là đạt được một giải pháp công bằng. Nếu hai Bên nhất trí với đường phân định biển, nghĩa là đã đạt được giải pháp công bằng. Phương pháp 3 bước được mô tả trong Vụ phân định Biển Đen giữa Romania và Ukraine (ICJ, 2009)[6] không phải là quy định của UNCLOS, mà chỉ là bước phát triển của các Tòa án (ICJ, Tòa án Quốc tế về Luật Biển - ITLOS) nhằm hướng tới đạt được giải pháp công bằng theo quy định tại Điều 74 và 83 UNCLOS. Do đó, phương pháp 3 bước là không bắt buộc. Phương pháp 3 bước sẽ không được sử dụng nếu có những yếu tố khiến việc xác định đường phân định theo đường cách đều tạo ra giải pháp không công bằng. Tuy nhiên, trong vụ việc giữa Somalia và Kenya, Tòa cho rằng có thể sử dụng phương pháp 3 bước và không xem xét đến việc sử dụng đường phân định là đường song song với vĩ tuyến1o39’42.2” Nam như gợi ý của Kenya. Tòa giải thích rằng phương pháp do Kenya đề xuất tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng, cắt ngang các dự án trên biển ở bờ biển phía Nam của Somalia và giữa hai nước chưa bao giờ có đường biên giới về mặt thực tế (de facto) như vậy.[7]

Về các hoàn cảnh liên quan đòi hỏi việc điều chỉnh đường phân định tạm thời theo phương pháp “đường cách đều” để đạt được kết quả công bằng, Tòa không chấp nhận các yếu tố sau đây là hoàn cảnh liên quan đòi hỏi việc điều chỉnh đường phân định tạm thời: (i) đường biên giới trên biển về mặt thực tế giữa hai nước (a de facto maritime boundary) là đường song song với vĩ tuyến 1o39’42.2” Nam;[8] (ii) Lợi ích an ninh của Kenya;[9] và (iii) Quyền tiếp cận đến tài nguyên thiên nhiên của ngư dân Kenya.[10] Đáng chú ý, Tòa đồng ý với lập luận của Kenya rằng đường cách đều khi áp dụng tại những khu vực mà đường bờ biển của Kenya bị lõm (bờ biển bất lợi) tạo ra hệ quả đủ nghiêm trọng đối với quyền lợi của Kenya trong các vùng biển của mình. Do đó, Tòa chấp nhận đây là hoàn cảnh có liên quan và điều chỉnh đường cách đều lên phía Bắc (theo phương vị 114 độ).[11] Tòa đã kiểm tra tính công bằng và kết luận rằng đường phân định này là giải pháp công bằng.[12]

Như vậy, những kết luận của ICJ về phương pháp phân định biển trong vụ việc này cơ bản chia sẻ quan điểm đã có của các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế khác.[13] Đáng chú ý, việc Tòa tái khẳng định rằng nếu hai Bên nhất trí với đường phân định, nghĩa là đã đạt được giải pháp công bằng phản ánh nghĩa vụ thiện chí thực hiện điều ước quốc tế được quy định tại Điều 26 Công ước Viên năm 1969 về điều ước quốc tế. Theo đó, các điều ước quốc tế đã có hiệu lực ràng buộc giữa các quốc gia phải được các bên thi hành với thiện chí. Điều đó góp phần đảm bảo cho sự ổn định của luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế về phân định biển.

(ii) Vấn đề phân định TLĐMR khi CLCS chưa đưa ra chấp thuận hay kiến nghị đối với các Báo cáo đệ trình xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng của các nước

Trên cơ sở cả Somalia và Kenya đều đề nghị Tòa phân định khu vực TLĐMR chồng lấn, ICJ đã vạch đường phân định TLĐMR giữa hai nước (nếu có) bằng cách kéo dài đường phân định vùng ĐQKT và thềm lục địa trong vòng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tuy nhiên, Tòa lưu ý rằng đường phân định này chỉ có hiệu lực khi các bên nhận được ý kiến của CLCS đồng ý với khu vực TLĐMR mà mỗi nước đã đệ trình, và đường phân định này chỉ kéo dài đến khu vực mà không có quyền lợi của bên thứ ba bị ảnh hưởng.[14]

Như vậy, quyết định của ICJ trong vụ việc này về phân định TLĐMR trước khi CLCS đưa ra kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của các quốc gia liên quan là phù hợp với quan điểm của ITLOS trong Vụ phân định biển giữa Bangladesh và Myanmar năm 2012,[15] cũng như ICJ trong Vụ phân định biển giữa Nicaragua và Colombia cùng năm.[16] Các Tòa đều chia sẻ quan điểm rằng việc ranh giới TLĐMR chưa được thiết lập trên cơ sở kiến nghị của CLCS không hạn chế thẩm quyền của Tòa án trong việc phân định thềm lục địa giữa các bên có liên quan.

(3) Vấn đề vi phạm các nghĩa vụ quốc tế bởi các hành động đơn phương trong khu vực biển có tranh chấp

- Về cáo buộc của Somalia cho rằng các hành động đơn phương của Kenya (khảo sát và khoan) đã xâm phạm đến chủ quyền của Somalia trong lãnh hải và quyền chủ quyền của Somalia trong vùng ĐKQT và thềm lục địa:

Tòa cho rằng các hành động đơn phương của Kenya (khảo sát và khoan) không xâm phạm đến chủ quyền của Somalia trong lãnh hải và quyền chủ quyền của Somalia trong vùng ĐKQT và thềm lục địa vì: (i) giữa hai nước chưa có đường biên giới trên biển; và (ii) các hành động đơn phương của một quốc gia trong vùng biển mà sau này thuộc về một quốc gia khác bởi quyết định của Tòa án không được coi là xâm phạm đến chủ quyền của quốc gia kia nếu những hành động đó được tiến hành trước khi có quyết định của Tòa án và nằm trong khu vực tranh chấp mà được cả hai Bên yêu sách dựa trên thiện chí.Trong Vụ việc này, Kenya tiến hành các hoạt động khảo sát và khoan trong khu vực nằm hoàn toàn hoặc một phần ở phía Bắc của đường cách đều (là đường phân định biển theo yêu sách của Somalia), nhưng không có bằng chứng cho thấy khu vực đó không được Kenya yêu sách dựa trên sự thiện chí.[17]

- Về cáo buộc của Somalia cho rằng các hành động đơn phương của Kenya (trao quyền khai thác mỏ dầu cho các doanh nghiệp tư nhân và khảo sát tại các mỏ này) vi phạm nghĩa vụ không làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng trong giai đoạn quá độ chờ đợi ký kết thỏa thuận phân định quy định tại Điều 74(3) và Điều 83(3) UNCLOS:

Tòa giải thích “giai đoạn quá độ” quy định tại Điều 74(3) và Điều 83(3) UNCLOS đề cập đến giai đoạn bắt đầu bằng thời điểm phát sinh tranh chấp cho đến khi có kết quả phân định cuối cùng bởi hai Bên hoặc quyết định của Tòa án. Trong Vụ việc này, thời điểm phát sinh tranh chấp là năm 2009, nên Tòa sẽ xem xét các hoạt động đơn phương của Kenya (trao quyền khai thác mỏ dầu cho các doanh nghiệp tư nhân và khảo sát tại các mỏ này) được tiến hành từ năm 2009. Tòa cho rằng các hành động này không gây ra sự thay đổi vĩnh viễn về mặt vật lý cho môi trường biển, do đó, không làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng.[18] Bên cạnh đó, Tòa chú ý đến các cuộc đàm phán của hai Bên về phân định biển trong năm 2014 và việc Kenya đã đình chỉ các hoạt động của mình trong vùng biển tranh chấp, đề nghị một giàn xếp tạm thời với Somalia. Tóm lại, Tòa kết luận rằng Kenya không vi phạm nghĩa vụ không làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng quy định tại Điều 74(3) và Điều 83(3) UNCLOS.[19]

Phân định biển giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và thiện chí từ các bên, kể cả khi sử dụng bên thứ ba để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Do đó, việc tham khảo các án lệ, với vai trò là một nguồn bổ trợ của luật pháp quốc tế,[20] là cần thiết để các quốc gia giải quyết ổn thỏa vấn đề này, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam có thể tham khảo một số điểm đáng chú ý trong Phán quyết của ICJ ngày 12/10/2021 về phân định biển giữa Somalia và Kenya trong phân định biển với các nước láng giềng, góp phần xây dựng thực tiễn quốc tế về vấn đề này, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực./.

 

 

 

[1] Khoản 8 Điều 76 UNCLOS 1982 quy định quốc gia ven biển thông báo những thông tin về các ranh giới thềm lục địa của mình, khi thềm lục địa đó mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. Ủy ban gửi cho các quốc gia ven biển những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc.

[2]Phương pháp đường cách đều sẽ được sử dụng để phân định lãnh hải của hai quốc gia có bờ biển tiếp liền.Phương pháp đường trung tuyến sẽ được sử dụng để phân định lãnh hải của hai quốc gia có bờ biển đối diện.

[3] Điều 15 UNCLOS 1982 về phân định lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện quy định về phương pháp đường cách đều, có tính đến các hoàn cảnh đặc biệt khác cần hoạch định ranh giới lãnh hải.

[4]Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 93-98.

[5]Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 99-118.

[6] Trong Vụ phân định Biển Đen giữa Romania và Ukraine (ICJ, 2009), ICJ nêu ra phương pháp 3 bước để phân định biển nhằm đạt được giải pháp công bằng như sau: (i) Bước 1: xác định đường cách đều tạm thời; (ii) Bước 2: Xác định các hoàn cảnh liên quan đòi hỏi việc điều chỉnh đường cách đều tạm thời để đạt được kết quả công bằng (tỷ lệ chiều dài bờ biển, sự hiện diện của đảo, thực tiễn sử dụng biển của các bên bao gồm khai thác dầu khí, đánh bắt cá và tuần tra biển…); và (iii) Bước 3: xác minh đường phân định không dẫn đến một kết quả không công bằng do bất cứ sự chênh lệch nào giữa tỷ lệ chiều dài đường bờ biển và tỷ lệ vùng biển tương ứng.

[7]Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 119-131.

[8]Tòa giải thích rằng giữa Somalia và Kenya chưa bao giờ tồn tại đường biên giới này vì các lý do sau đây. Thứ nhất, không có bằng chứng thuyết phục cho thấy yêu sách của Kenya về biên giới trên biển giữa hai nước là đường song song với vĩ tuyến 1o39’42.2” Nam đã được duy trì nhất quán đến mức cần Somalia có phản ứng vì (i) các Tuyên bố ngày 28/02/1979 và 09/6/2005 của Kenya đưa ra yêu sách về biên giới trên biển giữa hai nước là là đường song song với vĩ tuyến 1o39’42.2” Nam, nhưng lại đề cập đến đường cách đều. Trong các công hàm gửi ngày 26/9/2007 và 04/7/2008, Kenya đề nghị Somalia khẳng định sự đồng ý của mình về biên giới trên biển giữa hai nước là là đường song song với vĩ tuyến 1o39’42.2” Nam, tuy nhiên phía Somalia không hề có sự khẳng định như vậy; (ii) Trong cả Báo cáo năm 2009 đệ trình lên CLCS của Kenya và MOU ký bởi hai nước cùng năm đều thừa nhận sự tồn tại tranh chấp biển giữa hai Bên; và (iii) các cuộc đàm phán giữa bên Bên vào năm 2014 cũng như những Công hàm của Kenya vào các năm 2014, 2015 cũng cho thấy giữa hai nước chưa có sự thống nhất về đường biên giới trên biển. Thứ hai, Tòa xem xét những biểu hiện của Somalia đối với đường biên giới trên biển với Kenya từ năm 1979-2014 và thấy rằng không có bằng chứng thuyết phục cho thấy Somalia rõ ràng và nhất quán ngầm chấp nhận đường biên giới được đưa ra bởi của Kenya, vì (i) việc ngầm chấp nhận đó không thể suy ra từ sự phản đối phương pháp “đường cách đều” của Somalia trong Hội nghị Luật Biển lần thứ 3, (ii) không có dấu hiệu cho thấy Somalia đã đồng ý với đường biên giới mà Kenya yêu sách trong những cuộc đàm phán vào năm 1980 và 1981; (iii) mặc dù Luật Biển Somalia năm 1988 có đề cập đến biên giới lãnh hải là đường kéo dài về phía biển từ đường biên giới trên đất liền, nhưng cụm từ này không rõ ràng; (iv) trong MOU năm 2009 ký bởi hai quốc gia, Báo cáo năm 2009 của Somalia đệ trình lên CLCS, lá thư của Somalia ngày 19/8/2009 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng như Phản đối vào năm 2014 của Somalia về việc CLCS xem xét Báo cáo của Kenya đều đề cập đến sự tồn tại tranh chấp biển giữa hai nước; (v) cuộc nội chiến đã khiến Somalia không thể thực hiện đầy đủ chức năng nhà nước trong việc phản hồi các yêu sách của Kenya trong suốt giai đoạn 1991-2005. Tòa cũng đã xem xét các hành vi tuần tra biển, khai thác cá, nghiên cứu khoa học biển và nhượng quyền khoan dầu của hai Bên trong những năm 1979-2014 và kết luận rằng không có bằng chứng thuyết phục cho thấy Somalia rõ ràng và nhất quán ngầm chấp nhận đường biên giới được đưa ra bởi yêu sách của Kenya. Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 36-89.

[9] Tòa giải thích rằng vì an ninh của Kenya chỉ bị ảnh hưởng nếu đường biên giới quá gần với bờ biển của Kenya, và trong vụ việc này thì đường cách đều không như vậy. Bên cạnh đó, tình trạng an ninh hiện tại của Somalia ở các không gian biển liền kề với Kenya không kéo dài vĩnh viễn.

[10] Tòa giải thích rằng đường cách đều không tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của ngư dân Kenya.

[11] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 147-174.

[12] Tòa tính toán tỷ lệ đất là 1:1.43 nghiêng về Somalia, tỷ lệ nước là 1:1.30 nghiêng về Kenya, và cho rằng tỷ lệ này không tạo ra sự bất công bằng. Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 175-177.

[13] Có thể tham khảo Vụ phân định Biển Đen giữa Romania và Ukraine (ICJ, 2009) về phương pháp phân định biển ba bước; Vụ Thềm lục địa Biển Bắc giữa Hà Lan, Đan Mạch và Đức (ICJ, 1969), Vụ phân định biển giữa Guinea-Bissau và Senegal (ICJ, 1989) về hình dáng bất lợi của bờ biển được coi là hoàn cảnh liên quan điều chỉnh đường cách đều tạm thời trong phân định biển; Vụ phân định Vịnh Maine giữa Mỹ và Canada (ICJ, 1984) về yếu tố kinh tế không được coi là hoàn cảnh liên quan để điều chỉnh đường cách đều tạm thời trong phân định biển…

[14] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 178-197.

[15] Vụ phân định biển giữa Bangladesh và Myanmar (ITLOS, 2012), đoạn 410.

[16] Vụ phân định biển giữa Nicaragua và Colombia (ICJ, 2012), đoạn 125.

[17] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 198-204.

[18] Somalia cho rằng một số hoạt động khoan cụ thể có thể dẫn tới sự thay đổi vĩnh viễn về mặt vật lý cho môi trường biển, có thể làm thay đổi nguyên trạng (status quo) tranh chấp biển giữa hai Bên và có thể làm phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, Tòa không đồng ý với quan điểm này.

[19] Vụ phân định biển giữa Somalia và Kenya (ICJ, 2021), đoạn 205-213.

[20] Khoản 1 Điều 38 Quy chế ICJ.

Cùng chuyên mục
Chung sức gỡ thẻ vàng EC
Chung sức gỡ thẻ vàng EC

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lình Huỳnh (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) chủ động phối hợp các lực lượng, chính quyền, đoàn...

Vì một Côn Đảo xanh, bền vững
Vì một Côn Đảo xanh, bền vững

Phát triển du lịch Côn Đảo theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa bảo vệ môi trường bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu....

Lao Bảo, một thời sôi động
Lao Bảo, một thời sôi động

Vào những năm 1990 trở về sau này, giữa bộn bề công việc hệ trọng cần sắp đặt, triển khai gấp rút và vận hành...

Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024
Nhiều hoạt động sôi nổi tại Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2024

Những ngày qua, không khí tại khu vực biển phường Nại Hiên Đông và các phường ven biển quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá...

Những giọt nước nghĩa tình của bộ đội Hải quân với nhân dân Hòn Chuối
Những giọt nước nghĩa tình của bộ đội Hải quân với nhân dân Hòn Chuối

Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt sau thời gian dài không có mưa trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc,...

Vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới
Vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới

Vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới là một trong những nhiệm vụ được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 01-12/3/2024
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 01-12/3/2024

Kết thúc Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia tại Melbourne, Australia, sau 03 ngày làm việc, ngày 06/3, lãnh đạo các nước...

Việt Nam chủ động và sáng tạo trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ biên giới
Việt Nam chủ động và sáng tạo trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ biên giới

Tranh chấp quốc tế, đặc biệt là tranh chấp biên giới - lãnh thổ, luôn là mầm mống gây ra các cuộc xung đột, thậm...

Tết nơi đảo xa
Tết nơi đảo xa

Không khí tết ngày càng ấm áp, người dân khắp nơi đang hoàn tất những công việc cuối cùng trong năm để về sum họp...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 12-23/01/2024
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 12-23/01/2024

Ngày 12/01, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 28/12/2023-07/01/2024
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 28/12/2023-07/01/2024

Ngày 06/01/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Sonexay Siphando trao đổi về các vấn...

Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về duy trìvà thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á
Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về duy trìvà thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á

Ngày 30 tháng 12 năm 2023 các Ngoại trưởng Asean đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy...

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Năm 2023, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị,...

Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 08-15/12/2023
Thông tin liên quan Biển Đông từ ngày 08-15/12/2023

Từ ngày 12-13/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và có các cuộc...

Tổ chức Hàng hải Quốc tế kiên quyết ngăn chặn vận tải trái phép trên biển
Tổ chức Hàng hải Quốc tế kiên quyết ngăn chặn vận tải trái phép trên biển

Ngày 6/12, Cơ quan Vận tải Biển của Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết nhằm ngăn chặn các hoạt động vận tải biển...

Tin đọc nhiều
Phòng tuyến góp phần ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản trái phép
Hội đàm giữa Lai Châu và hai tỉnh Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay
Dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển Quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Tây Ban tại Việt Nam
Xuất nhập khẩu chính ngạch giữa Kiên Giang và Kampot đạt 256 triệu đô la Mỹ
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 khảo sát tại tỉnh Sóc Trăng
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Kiều bào tại Hungary hướng về biển đảo quê hương
Cảnh sát biển Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng điều hành ReCAAP lần thứ 18
Xung lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand
Quảng Ninh xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc
Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp
Việt Nam lên án hành vi bạo lực, vô nhân đạo trên các tuyến hàng hải quốc tế
Xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hợp tác và phát triển
Nhận diện, phát triển “mũi nhọn” của Kiên Hải
Lào Cai-Vân Nam: Tuyến biên giới Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Việt Nam và Thái Lan nhất trí phối hợp và cùng các thành viên ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông
Khai mạc hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông
Sóc Trăng tuần tra kiểm soát chống khai thác IUU
Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa và hiệu suất thông quan tại các cặp cửa khẩu trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc
Chủ tịch Quốc hội Phần Lan ủng hộ lập trường, quan điểm của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông
Khám phá tuyến du lịch kết nối Non nước Cao Bằng với Cao nguyên đá Đồng Văn
Công bố quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Dồn sức gỡ thẻ vàng IUU
Triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đón tàu 100 nghìn tấn