21/06/2017 16:13
Vùng biển Vân Đồn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc, mà còn có một vị trí xung yếu trên đường hải vận từ Trung Quốc tới Việt Nam và kéo dài xuống Đông Nam Á. Nhận rõ điều đó, năm 1149 (Đại Định năm thứ 10), vua Lý Anh Tông đã cho thành lập thương cảng Vân Đồn, thương cảng sớm nhất lịch sử Việt Nam. Vân Đồn trở thành thương cảng thịnh vượng, trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á từ thế kỷ XII đến XVIII, với sự tham gia của các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người duy nhất sinh sống tại bến Cái Làng giới thiệu về giếng Hệu. Ảnh: Thanh Thuận
Sự kiện thành lập thương cảng Vân Đồn được Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi lại như sau: “Kỷ Tỵ (Đại Định) năm thứ 10 (1149), thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lộc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng quý, dâng tiến sản vật địa phương”.
Trang Vân Đồn (hay còn gọi là làng Vân) vốn là tên gọi cổ xưa của xã Quan Lạn ngày nay, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và tính đến nay cũng đã có gần 900 năm tồn tại và phát triển.
Trong quá trình hình thành và phát triển, thương cảng Vân Đồn xưa là một hệ thống bao gồm các bến thuyền thương mại trên nhiều đảo quây quần trong vùng vịnh Bái Tử Long, phạm vi khoảng 200km2. Các địa danh: Bến Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cống Hẹp, Cống Đông, Gạo Rang, Vạn Ninh... vẫn còn lưu danh về một thời giao thương buôn bán sầm uất. Trong đó, trung tâm là hai bến Cái Làng và Cống Cái trên đảo Vân Hải. Vị trí chính xác của thương cảng cổ nằm ở vụng Cái Làng thuộc phía Đông Bắc xã đảo Quan Lạn.
Để đi tìm lại dấu tích xưa của thương cảng Vân Đồn, chúng tôi đã tiến hành lội bộ 4km qua bãi triều ven biển khi nước rút, có đoạn phải lội qua sình lầy có nhiều cây sú, vẹt, đoạn lại phải đi qua bãi lởm chởm đá. Nơi chúng tôi đến là bến Cái Làng, từng là trung tâm thương cảng và là đầu mối giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước. Cái Làng nằm sát chân núi Man thuộc đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Trước kia, đây là khu vực trung tâm diễn ra các hoạt động buôn bán các loại hàng hóa quý như ngà voi, ngọc trai, đồ gốm... Nơi đây từng được coi là “bến cảng chính”, “cảng trung tâm” của thương cảng Vân Đồn.
Đến nơi, bến Cái Làng hiện ra trước mắt chúng tôi là một bãi mênh mông những mảnh sành, như những mảnh vỡ của thời gian còn sót lại. Thương cảng xưa chỉ còn lại những dấu vết, những hiện vật đại diện cho các triều đại nằm dưới lòng đất và phơi bày trên cả một chiều dài bến cảng. Dưới những tán rừng bao phủ là nền đình, chùa, miếu và biết bao nền nhà cổ của các cư dân xa xưa từng làm ăn, sinh sống nơi đây.
Ngày nay, thương cảng chỉ còn nằm trong những trang sử của dân tộc, hình bóng của nó chỉ là dấu vết và các hiện vật vỡ nằm ngổn ngang do những lần khuân vác từ kho xuống thuyền và từ thuyền lên kho cảng. Giờ đây, thương cảng xưa có lẽ chỉ còn hấp dẫn với các nhà nghiên cứu khảo cổ và lịch sử.
Cũng tại khu thương cảng cổ Cái Làng, qua lời chỉ dẫn của ông Nguyễn Mạnh Hùng, người duy nhất sinh sống tại bến Cái Làng mấy chục năm nay, chúng tôi còn biết đến một giếng cổ có tên gọi là giếng Hệu, hay còn gọi là giếng Nàng Tiên, giếng Nước Mắt, nằm sát bên bờ vụng, quanh năm đầy nước.
Ông Hùng cho biết: “Giếng Hệu thực chất là giếng Hợi, do cư dân địa phương gọi chệch đi. Giếng được đào từ thời nhà Lý, nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho các tàu buôn trong và ngoài nước. Các cụ xưa truyền lại rằng: Nước giếng Hệu rất trong và mát. Các cô gái trong vùng gội đầu nước giếng Hệu, tóc sẽ mọc dài ra, đen và óng mượt. Do vậy câu ca: “Khi đi tóc chấm ngang vai/ Gội đầu giếng Hệu tóc dài ngang lưng” đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân Quan Lạn”.
Cùng với hệ thống di tích cảng cổ ở khu vực Con Quy, Sơn Hào, Cái Làng, phía Tây Nam Vân Hải có đảo Ngọc Vừng. Đây là một địa điểm giao thương khá quan trọng trong hệ thống thương cảng Vân Đồn xưa. Vào thời hưng thịnh của thương cảng Vân Đồn, Ngọc Vừng cũng dự nhập tương đối mạnh mẽ với hoạt động chung của thương cảng, tiêu biểu là khu vực Cống Yên và Cống Hẹp.
Trong hệ thống thương cảng Vân Đồn, địa điểm Cống Đông, Cống Tây, nay thuộc địa phận xã Thắng Lợi cũng được đặc biệt chú ý. Khu vực này cũng là trung tâm quan trọng của thương cảng Vân Đồn thời Lý-Trần. Đảo Cống Đông và Cống Tây là những đảo lớn nằm trong vịnh Bái Tử Long và khu thương cảng Vân Đồn xưa. Nằm song song theo hướng Tây Bắc, Đông Nam có một dải nước như một vụng biển khá rộng và sâu ở giữa.
Vụng biển rất kín gió do được các đảo che chắn. Đây là địa điểm rất thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu và vận chuyển hàng hóa lên xuống. Từ đây, có thể liên hệ thuận lợi với đất liền và cư dân vùng Cái Làng, Quan Lạn, Ngọc Vừng cùng các đảo xa khác. Số lượng gốm, sành, sứ và gốm men tìm thấy ở Cống Tây, Cống Đông cho thấy nơi đây là một trong những trung tâm quan trọng của thương cảng Vân Đồn, bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ XII-XIII, phồn thịnh trong các thế kỷ XV-XVI và hoạt động liên tục cho đến thế kỷ XVIII.
Bà Phan Thị Thúy Vân, Phòng Tuyên truyền, Ban quản lý di tích danh thắng Quảng Ninh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Các cuộc khai quật khảo cổ học trong những năm 1967 - 1995 cho thấy: Vụng Cái Làng, Cống Cái trên đảo Vân Hải có một bờ dài khoảng 200m. Khắp bờ vụng chồng chất hàng triệu mảnh sành, sứ, dày tới 0,6m, có niên đại từ thời Lý đến thời Lê, như men ngọc thời Lý, đồ men nâu thời Trần, đồ men cao trôn thời Lê với những di vật như: Lọ nhỏ men lục, đĩa men lục in hoa văn sóng nước, bình lớn men lam, bát cao chân, bát hình hoa sen…”.
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh hiện lưu giữ nhiều hiện vật cho thấy: Qua việc phát hiện nhiều bến bãi với đồ gốm, sự quy mô và sầm uất của thương cảng Vân Đồn một thời còn được các nhà khảo cổ ghi nhận qua số lượng tiền đồng nhiều triều đại trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn... Qua các dấu tích nền nhà cổ thường bắt gặp những hũ sành đựng tiền đồng cổ thuộc các thời đại phong kiến Trung Quốc từ nhà Đường tới nhà Thanh; tiền Việt Nam từ nhà Lý tới nhà Nguyễn.
Ngoài các bến cảng trên biển, hệ thống thương cảng Vân Đồn xưa có mối liên hệ mật thiết với các trung tâm kinh tế nội địa và hệ thống các cảng trong đất liền như: Bến Cái Cổng (đảo Cái Bàn), bến Đượng Hạc, Hòn Dáu… (huyện Yên Hưng), bến Gạo Rang, bến Bang (huyện Hoành Bồ), bến Vạn Ninh (thị xã Móng Cái)… Các bến này là những điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa từ các trung tâm sản xuất ra hệ thống cảng biển.
Lịch sử thương cảng Vân Đồn cũng có nhiều thăng trầm cùng với những biến chuyển của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhưng với vị thế của một thương cảng quốc tế và sự phát triển trên dưới ngàn năm vẫn còn chứa đựng rất nhiều di sản quý giá và những giá trị lịch sử mà ngày nay chúng ta cần nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, góp phần khẳng định tiềm năng, niềm tin về triển vọng phát triển của kinh tế biển đảo hiện nay.
Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược của lực...
28/04/2020 14:56
Không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo...
07/04/2020 11:26
Nước Việt Nam sở hữu cả chiều dài phần phía Đông đất liền là biển cả. Người Việt đã làm chủ và khai thác Biển...
25/02/2020 10:48
Ở Thừa Thiên Huế có một đồn Biên phòng “độc nhất vô nhị” được xây dựng cách đây 206 năm và tới giờ này vẫn...
15/03/2019 17:33
Nhà Lê sơ được sử cũ nhắc đến như thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam, dưới thời vua Lê Thái...
25/12/2018 09:04
Thư tịch cổ chữ Hán nước ta xưa nói nhiều đến câu thơ nổi tiếng về chiến lược biên cương của vua Lê Thái Tổ...
06/08/2018 08:37
Đình An Vĩnh trên đảo Lý Sơn là một trong những ngôi đình có từ lâu đời nhất ở tỉnh Quảng Ngãi.
23/04/2018 19:53
Minh Mạng là Hoàng đế của Vương triều Nguyễn có công đầu mở mang bờ cõi nước Việt.
18/04/2018 19:51
Trong lịch sử hào hùng của Đại Việt, vùng biên ải phía Bắc là nơi chứng kiến nhiều biến động.
04/04/2018 18:42
Trong lịch sử quân sự Việt Nam có một hệ thống thành lũy khá lợi hại. Dân gian vẫn gọi là Lũy Thầy.
27/10/2017 20:03
Ngày nay ai cũng biết Sơn Trà là “con mắt Đông Dương”, “khu xung yếu”. Trước đây, vào thời nhà Nguyễn, việc quản lý Sơn...
31/05/2017 18:20
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (nghĩa là sông Đằng từ xưa máu còn đỏ) là câu đối đáp của sứ thần nước ta...
10/08/2016 00:00
Trần Khánh Dư là một danh tướng đời nhà Trần, triều đại tồn tại từ năm 1226 đến năm 1400 tại Việt Nam. Ông không...
28/06/2016 16:45
Sinh năm 1620, tại xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc (nay là xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh...
15/06/2016 16:16
Biển, đảo giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc, nhất là chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông,...
13/06/2016 18:11